Các chuyên gia đều cho rằng chỉ khi Nhà nước có biện pháp kiểm soát nạn đầu cơ mới hạ nhiệt được giá nhà đất ở TP.HCM cũng như địa phương khác.
GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Nên đánh thuế mạnh
Thị trường bất động sản hiện nay đang có một khuyết tật về nhu cầu nhà ở và thu nhập của người có nhu cầu. Chỉ số giá nhà ở trung bình/thu nhập trung bình của người Việt Nam đang trên ngưỡng 20, có nghĩa người có thu nhập trung bình muốn mua nhà phải tích lũy đến 70 – 80 năm cuộc đời.
Cách thức giải bài toán ở ta là đi theo hướng phát triển nhà ở xã hội nhưng nhà nước không đủ sức gánh. Một vài doanh nghiệp nhận xét chính sách cho người thu nhập thấp có nhà của Việt Nam rất tốt nhưng cuối cùng đã xoay chuyển và thành bán giá cao.
Ở các nước thường tăng cường hình thức nhà ở cho thuê giá rẻ, kết hợp với các công cụ thuế bất động sản để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và chống đầu cơ. Cụ thể, nếu dùng diện tích đất ở trong hạn mức thì thuế thấp, bảo đảm mọi người đều có chỗ ở; nếu dùng ngoài hạn mức sẽ chịu thuế cao. Đánh thuế lũy tiến với người sở hữu nhiều nhà, đất vừa giảm được đầu cơ vừa kéo giá nhà đất đi xuống. Ngược lại, nhà nước không đánh thuế đối với nhà đất có thời hạn, nhà thuê. Những doanh nghiệp phát triển nhà cho thuê cũng được miễn và giảm thuế cho doanh nghiệp làm nhà thương mại giá rẻ. Đặc biệt, khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng cho nhà giá rẻ…
TS. Nguyễn Văn Thuận – Trường Đại học Tài chính – Marketing: Công khai thông tin quy hoạch
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho giá nhà đất TP.HCM bị đẩy lên cao, trong đó có một phần do giới đầu cơ và chiêu trò làm giá của những người môi giới. Do đó, Nhà nước cần phải kiểm soát tốt yếu tố đầu cơ, làm giá, mới hạn chế được bất động sản tăng giá đột biến, không phù hợp với cung cầu thị trường.
Theo đó, giải pháp cơ bản là Nhà nước công bố thông tin quy hoạch và thường xuyên cập nhật thông tin thay đổi quy hoạch nhà đất trên trang web của từng quận, huyện. Từ đó, người dân có thể truy tìm tính pháp lý của từng lô đất, căn nhà để quyết định mua bán. Còn việc theo dõi diễn biến thị trường, hầu hết các UBND phường, xã đều nắm bắt được đâu là giao dịch nhà đất bất hợp pháp, dự án nào chưa hoàn thiện pháp lý hay nhà ở xây dựng không phép. Toàn bộ các thông tin này phải được chính quyền thông báo rộng rãi cho người dân biết. Khi đó, thị trường mới đi vào lề lối, giá bất động sản không bị “nóng lạnh” thất thường.
Để giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường nhà đất nói chung và TP.HCM nói riêng, rất cần có bàn tay vô hình của Nhà nước trong việc tạo điều kiện về chính sách để các doanh nghiệp giảm giá bán và tập trung nhiều hơn vào phân khúc mà thị trường cần. Trong đó, trước tiên cần giải quyết tình trạng thủ tục hành chính chậm, khó khăn khiến chi phí tăng, buộc doanh nghiệp dù không muốn cũng phải tăng giá bán sản phẩm.
Mặt khác, nhà nước phải có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm trung bình cũng như hỗ trợ người mua nhà có giá dưới 3 tỷ đồng. Đặc biệt, Nhà nước phải có giải pháp quy hoạch, tạo ra quỹ đất để triển khai nhà giá thấp, chẳng hạn quy hoạch vùng đất để doanh nghiệp đấu thầu triển khai nhà cho người có thu nhập trung bình.
ThS. LS. Nguyễn Đức Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa: Kiểm soát môi giới làm giá
Hiện nay, người môi giới bất động sản có nhiều chiêu thức làm giá hoặc đưa ra thông tin không thật để đánh lừa người mua nhưng pháp luật và cơ quan quản lý không thể can thiệp được. Bởi giá bất động sản thường được quyết định bởi quan hệ cung cầu.
Tuy pháp luật có quy định người môi giới phải có chứng chỉ hành nghề nhưng chứng chỉ này không nhắc đến các quy tắc về ứng xử, phạm vi đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, để hạn chế giá nhà đất bị môi giới đẩy lên cao, các hiệp hội bất động sản cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với người môi giới bất động sản; đồng thời nhà nước nên trao cho các hiệp hội một số quyền hạn nhất định để chế tài, kỷ luật người môi giới vi phạm đạo đức nghề nghiệp giống như các hội luật sư, kế toán, thuế… đang áp dụng.