Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế trung ương, thị trường bất động sản TP.HCM đang thể hiện rõ hai gam màu sáng – tối với nhiều điểm tích cực xen lẫn hạn chế.
5 điểm sáng của thị trường
Thứ nhất, vai trò quản lý của Nhà nước ngày càng phát huy hiệu quả, giúp thị trường minh bạch, phát triển đúng hướng và giảm thiểu rủi ro cho tất cả các bên. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh và đồng bộ, mở đường cho thị trường bất động sản phát triển rầm rộ, tiêu biểu là khu vực phía đông Sài Gòn.
Thứ hai, nguồn cung sản phẩm vẫn gia tăng và đa dạng ở tất cả các phân khúc. Đồng thời, sức tiêu thụ theo ghi nhận cũng rất tích cực, thúc đẩy giao dịch sôi động trên thị trường bất động sản, tạo ra nhiều giá trị đóng góp cho nền kinh tế chung.
Thứ ba, các chủ đầu tư nội liên tục nâng cao năng lực và khẳng định thương hiệu, đầu tư từ khối ngoại vào thị trường cũng ngày càng mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh và từ đó phát triển tốt hơn. Quy mô các dự án ngày càng lớn và được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn với đầy đủ các dịch vụ, tiện ích đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt, giải trí của cư dân. Đặc biệt, nhiều dự án có quy mô cực lớn xây dựng hệ sinh thái riêng, hướng đến hình thành tiểu khu đô thị.
Thứ tư, các chính sách bán hàng được công bố minh bạch và hấp dẫn hơn, tạo nên sự cạnh tranh trên thị trường mà trong đó, khách hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Ứng dụng rộng rãi của công nghệ và các thiết bị thông minh từ tìm kiếm, tiếp thị đến vận hành và quản lý bất động sản. Lực lượng môi giới bất động sản ngày càng chuyên nghiệp và chỉn chu hơn. Nhiều thương hiệu môi giới ngoại mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Thứ năm, đa dạng hơn các kênh huy động vốn thông qua nguồn FDI, M&A dự án, kênh chứng khoán,… giúp chủ đầu tư dễ tiếp cận nguồn vốn để đầu tư và phát triển dự án. Bất động sản bền vững, bất động sản xanh ngày càng được thị trường đánh giá cao và xem đây là xu hướng tất yếu để phát triển.
… và những mảng tối
Bên cạnh yếu tố tích cực, TS Võ Trí Thành cũng chỉ ra những mặt hạn chế của thị trường và cần có sự điều chỉnh để phát triển bền vững hơn:
Thứ nhất, sự chênh lệch cung cầu và tỉ trọng nguồn cung bất hợp lý giữa các phân khúc căn hộ hạng A, hạng B và hạng C đang ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, sức mua ngày càng có chiều hướng giảm nhiệt. Từ năm 2018, sức hấp thụ của thị trường bắt đầu giảm, giao dịch thứ cấp cũng không còn sôi nổi như những năm trước.
Thứ hai, những cơn sốt đất nền vùng ven đẩy thị trường vào tình trạng nóng sốt quá mức, đỉnh điểm từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2018, tuy đã được điều chỉnh kịp thời song vẫn gây ra nhiều lo ngại. Theo thống kê, khách đầu tư vẫn là người mua dẫn dắt cuộc chơi chính, mua đầu tư chiếm tỉ trọng lớn hơn mua ở thực nhiều. Thông qua mỗi lần giao dịch, mức giá sản phẩm lại bị đẩy cao vượt mức giá thực của thị trường.
Thứ ba, quy hoạch kém bền vững dẫn đến mặt trái khi thị trường phát triển là cảnh quan đô thị bị phá vỡ, ảnh hưởng môi trường và chất lượng sống của con người. Tuy lượng khách nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam tăng nhanh nhưng do chưa có những quy định quản lý về lâu dài, nên thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro liên đới về xã hội, chính trị, kinh tế.
Thứ tư, nhiều cuộc xung đột lợi ích giữa khách hàng, cư dân và chủ đầu tư ngày càng phổ biến, bắt nguồn từ những nguyên nhân như chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, quy định pháp lý chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều kẽ hở khi triển khai dự án.
Thứ năm, chương trình bố trí nguồn vốn vào bất động sản chưa hợp lý. Do đó, khi thị trường có những dấu hiệu đáng quan ngại, giải pháp hiện thời là siết tín dụng vốn và về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng sức cầu cũng như kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường.
Nguồn: báo Tuổi Trẻ