Thời gia quan, tình trạng lừa đảo bằng bất động sản liên tiếp nở rộ khiến nhiều nhà đầu tư “khóc ròng”. Kéo theo đó là công cuộc đi đòi lại quyền lợi của người dân cũng vô cùng gian nan.
Lừa bán đất nền… “nở rộ”
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra TPHCM đã tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung là Giám đốc của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Angel Lina (công ty Angel Lina, có trụ sở tại quận 1, TPHCM). Bà là “tác giả” của những dự án “ảo” huy động hàng trăm khách hàng góp vốn.
Điều tra ban đầu xác định, vào năm 2017 thông qua hành vi sử dụng pháp nhân của Công ty Angel Lina, Công ty Đất vàng Hoàng Gia, Nhung đã ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hứa hẹn mua bán các nền đất của 9 dự án không có thật tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể các lô đất được rao bán gồm: Khu dân cư Triều An; Khu dân cư Tây Lân; Khu phân lô đường Liên khu 5-6; Khu dân cư Nguyễn Thị Tú (cùng quận Bình Tân); Khu dân cư đường Bùi Thanh Khiết, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh; Khu dân cư phường Linh Trung, quận Thủ Đức; Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (quận 9); Khu dân cư phường Đông Hưng Thuận (quận 12); Khu nhà ở đường Phạm Văn Sáng, (huyện Hóc Môn).
Nhung đã tìm những người có nhu cầu bán đất với diện tích lớn bao gồm: đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… để thỏa thuận mua bán rồi ký biên bản đặt cọc hứa mua hứa bán để tạo niềm tin.
Với những loại đất này, Nhung không đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cũng không được các cơ quan nhà nước cấp phép, phê duyệt. Sau đó, Nhung vẽ ra quy hoạch chi tiết 1/500… rồi tiến hành phân lô và cho quảng cáo để thu hút người dân.
Sau khi nhận tiền cọc từ khách hàng, Nhung cho ký hợp đồng bằng hình thức góp vốn với nhiều cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, khi lấy được tiền của khách hàng, Nhung không thực hiện dự án, không hoàn trả lại tiền, đưa ra nhiều lý do lẩn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của người mua với số tiền lớn.
Từ đó, Nhung sử dụng pháp nhân Công ty Angel Lina, Công ty Đất vàng Hoàng Gia do mình làm giám đốc ký kết hợp đồng với khách hàng có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất để nhận tiền cọc hoặc góp vốn của nhiều cá nhân chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Hành vi sai phạm của Phạm Thị Tuyết Nhung đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận đơn tố giác của trên 200 bị hại, với số tiền chiếm đoạt khoảng 285,6 tỉ đồng.
Ở một trường hợp khác, vào tháng 9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra TPHCM đã khởi tố và bắt giữ Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba, em ruột của Luyện) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 30/6, công ty Alibaba và các công ty con đã ký kết hợp đồng mua bán đất với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng. Luyện giao cho nhiều cá nhân đi thu mua đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành rồi tự vẽ ra các dự án hoành tráng, thông qua nhiều kênh thông tin, mạng xã hội rao bán là dự án đất nền, dự án khu dân cư cao cấp.
Trong đó, Luyện chỉ đạo nhiều nhân viên đứng tên lập nhiều công ty con để phục vụ cho việc giao dịch, ký kết hợp đồng với khách hàng.
Người dân cần cảnh giác
Hiện nay, tình trạng lừa đảo bằng bất động sản diễn ra vô cùng tinh vi đã đẩy không ít người dân vào cảnh “tiền thì mất mà đất thì không có”. Thực trạng này cũng đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị trường bất động sản trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thái Viễn, chuyên môi giới bất động sản cho rằng, trong vài năm trở lại đây nhiều công ty bất động sản được ra đời. Tuy nhiên, lại xuất hiện không ít công ty được lập ra chỉ để lừa người dân, làm ăn chụp giật.
Theo ông Viễn, người có nhu cầu mua đất phải tìm hiểu kỹ về thông tin dự án. Trong đó, trước khi xuống tiền phải yêu cầu chủ đầu tư chứng minh pháp lý của dự án. Đồng thời, người mua phải tự mình đi kiểm tra hồ sơ dự án nếu đủ khả năng. Người mua cũng cần phải tỉnh táo nếu thấy mức giá rẻ hơn thị trường và khu vực xung quanh dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thời gian qua đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở… đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn.
Trước vấn nạn này, HoREA cũng kiến nghị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp nấp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản quy định về giá trị đặt cọc không vượt quá 5% giá tạm tính của sản phẩm bất động sản. Lý do, việc nhận đặt cọc với giá trị lớn cũng không phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản gây thiệt hại lớn cho người mua.