(Bất động sản) – Cơn “sốt” đất tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) kéo dài hơn 3 năm nay, từ 1,5-3 lần ở nhiều khu vực là do đón đầu những dự án hạ tầng lớn trong khu vực.
Đó là: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức- Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Cát Lái, đường vành đai 3, 4…
Hơn 10 năm trước, thông tin huyện Long Thành và Nhơn Trạch sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn của vùng, quốc gia đã khiến đất 2 huyện này lên cơn “sốt”. Nhưng cơn sốt đất khi đó chỉ kéo dài được hơn 2 năm, sau đó thấy các dự án triển khai chậm các nhà đầu tư rủ nhau bán ra để thu hồi vốn khiến giá đất rơi tự do và đóng băng.
Mua đất đợi hạ tầng
Từ cuối năm 2017, Chính phủ triển khai dự án Cảng hàng không, đất khu vực xung quanh bắt đầu lên cơn sốt kéo dài, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo đó, giá đất đai tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch liên tục được đẩy lên cao theo các động tĩnh của các dự án hạ tầng kỹ thuật.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Đồng Nai đang khởi động hoặc dự kiến sẽ làm trong thời gian tới đã khiến giá đất Long Thành tăng cao hơn giá trị thực. Việc này gây khó khăn rất lớn khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án.
Cụ thể, ở huyện Nhơn Trạch, mỗi lần có thêm thông tin về việc đang thúc đẩy làm cầu Cát Lái nối quận 2 (TP HCM)) với xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) thì giá đất lại được đẩy tăng lên một nấc mới. Tại huyện Nhơn Trạch, giá đất tăng cao nhất là những khu vực gần phà Cát Lái như: Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông. Huyện Long Thành, những xã ven Cảng hàng không quốc tế, những khu vực dự kiến có đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành đi qua… đất được mua đi bán lại khá nhiều và được đẩy tăng thêm 20-40% so với dịp cuối năm trước.
Ông Lê Thành Nam ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho hay: “Nghe thông tin Đồng Nai đang xúc tiến để làm cầu Cát Lái nên tôi đã bỏ ra gần 5 tỷ đồng mua đất ở xã Phú Hữu đợi khi làm cầu xong giá tăng cao sẽ bán. Nhưng sau khi mua, rất lo lắng chưa biết khi nào cầu sẽ làm, tôi đang dự tính đợi khoảng 2 năm nữa dự án không triển khai sẽ phải bán để thu hồi vốn”.
Ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Nhơn Trạch đánh giá: “Từ đầu năm đến nay, Văn phòng đã nhận khoảng 20 ngàn hồ sơ chuyển nhượng đất đai trên địa bàn. Trong đó, những xã gần phà Cát Lái hoặc những nơi có dự án giao thông làm cầu, đường khác, lượng hồ sơ chuyển nhượng đất đai nhiều hơn”.
Những khu vực gần đường lớn hoặc dự kiến có đường giao thông đi qua giá đất từ 15-30 triệu đồng/m2, mặc dù những khu vực đó hiện vẫn chưa phát triển.
Siết đủ chặt?
Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Chính phủ bố trí 11 ngàn tỷ đồng cho công tác bồi thường, tái định cư và dự kiến năm 2020 sẽ khởi công. Phía tỉnh Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và tính giá bồi thường.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai cố gắng năm 2020 sẽ giao đất sạch để khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đúng tiến độ Chính phủ yêu cầu. Cầu Cát Lái đã được Chính phủ thống nhất để Đồng Nai triển khai và nguồn vốn để thực hiện khoảng 7,2 ngàn tỷ đồng. Tương tự các dự án giao thông khác đang khởi động và được đẩy nhanh tiến độ đã khiến cho đất đai vùng Long Thành, Nhơn Trạch trở thành nơi hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư lướt sống bất động sản trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho rằng, nhiều dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đang khởi động hoặc dự kiến sẽ làm trong thời gian tới đã khiến giá đất Long Thành tăng cao hơn giá trị thực. Việc này gây khó khăn rất lớn khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án. Khi các “cò” đất đẩy giá lên cao, tạo mức giá ảo mới sẽ dễ khiến người dân thắc mắc, so sánh khi huyện áp giá bồi thường theo khung quy định của Nhà nước.
“Huyện đã siết chặt lại tất cả việc mua bán đất đai và chỉ cho chuyển nhượng những thửa đất đầy đủ các thủ tục pháp lý nhằm ngăn chặn việc mua bán đất tràn lan. Làm vậy để tránh những khó khăn sau này khi chính thức triển khai các dự án khác trên địa bàn huyện”- ông Đức khẳng định.