0826 34 26 26Kết bạn Zalo

Môi trường kinh doanh lĩnh vực bất động sản vẫn còn những điểm “tù mù”

bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn những điểm chưa minh bạch, còn dấu hiệu “nhóm lợi ích” hoặc “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Đặt câu hỏi về việc cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng địa phương khác lại không, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân nằm ở môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong bài tham luận được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

“Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng tại sao lại có một số dự án, thậm chí là đại dự án, được phê duyệt đầu tư xây dựng rất nhanh, trong khi nhiều dự án khác lại bị ‘đứng hình?”, ông Lê Hoàng Châu tiếp tục đặt câu hỏi.

Ông Châu cũng chỉ ra rằng, các nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu “luật khung”, “luật ống”, dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật…

Chưa kể, còn khâu thực thi pháp luật yếu, quy trình, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, bất cập; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục….

Chính vì thế, ông Châu bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, minh bạch là yêu cầu hàng đầu, có tính quyết định nhất. Có minh bạch thì mới có công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở.

Một trong những điểm nghẽn đó xuất phát từ việc Thành phố rà soát lại các dự án theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, khiến cho đến nay, có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị “ách tắc”.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thì việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo Châu, cơ quan ban ngành khi rà soát, không giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án có nguồn gốc đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc định giá tiền sử dụng đất các dự án kéo dài, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, thậm chí có những dự án đã hoàn thành thi công xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng mà vẫn chưa hoàn tất định giá để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Chưa kể, các quy định chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở chưa có hướng dẫn cụ thể làm cho các dự án không thể thực hiện đầu tư, hoang hóa đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Công tác thanh tra, kiểm toán liên tục và kéo dài, không có điểm kết làm ảnh hưởng đến việc xử lý hồ sơ tại các sở ngành dẫn đến việc kéo dài xem xét hồ sơ và phê duyệt cho doanh nghiệp triển khai hay hoàn tất các nghĩa vụ liên quan.

“Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bất động sản Thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Vì lý do đó, ông Châu cho rằng, nếu Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương không có biện pháp xử lý sớm các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, làm cho “giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời” đối với đông đảo người có thu nhập trung bình.

Các đề xuất, kiến nghị cũng đã được ông Lê Hoàng Châu đưa ra, đó là sửa đổi các luật liên quan và sớm ban hành “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam” để giải quyết ngay các vướng mắc về pháp lý đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lý.

Trong khi đó, đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có).

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

0926342626