Theo Luật Đầu tư sửa đổi thì kinh doanh bất động sản (BĐS) là ngành nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Song nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này nếu thông qua thể hiện việc không bình đẳng trong cuộc chơi toàn cầu.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS.
Cần cơ chế kiểm soát
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích, việc đầu tư bất động sản mang lại giá trị cao, có cơ hội sinh lợi cao và thu được nguồn lợi cũng tốt. Tuy nhiên, đầu tư bất động sản lại không giống như việc đầu tư các hàng hóa khác bởi việc thanh khoản bất động sản thường không ổn định.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư bất động sản thường hay kèm theo các mục tiêu thứ hai, đó là có thể tạo ra các cơ sở định cư. Điển hình, chúng ta có thể thấy việc đầu tư bất động sản vào Trung Quốc, hầu như kèm theo đó là vấn đề di dân, là vấn đề định cư.
Do vậy, theo ông Cường, chúng ta cần có cơ chế kiểm soát đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Cụ thể, cần đánh giá như thế nào về điều kiện đầu tư ra nước ngoài; kèm theo đó là việc kiểm soát về nguồn vốn khi chuyển tiền ra nước ngoài hay ngược lại là chuyển tiền về nước… thì sẽ tốt hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận Tư vấn & Định giá Savills Hà Nội cho rằng, đầu tư BĐS là lĩnh vực có mức rủi ro rất cao, đặc biệt là còn mang tính cá biệt rất lớn, nên việc duy trì kiểm soát đối với một số khía cạnh nhất định là cần thiết.
“Tuy nhiên, cũng nên xem xét và gỡ bỏ hạn chế đối với việc đầu tư BĐS ở nước ngoài trong những phân khúc, thị trường doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ về mặt công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn” – ông Sơn cho biết.
Đi ngược thị trường?
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có lĩnh vực BĐS là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường nói chung, bởi đây là cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
“Việc đầu tư hay không đầu tư là do kinh tế thị trường quyết định, và cụ thể nhà đầu tư cảm thấy việc đầu tư ở đâu có thể mang lại lợi nhuận thì họ có quyền quyết định đầu tư. Cấm cản hay hạn chế thậm chí sẽ phát sinh làm chui và khi đó việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn, ngoại tệ thất thoát sẽ nhiều hơn” – ông Đính phân tích.
Hơn nữa, trong khi các nước đều khuyến khích các doanh nghiệp, người nước ngoài đầu tư vào nước họ, nhưng chúng ta lại hạn chế cũng có nghĩa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nội bị co hẹp, gây khó khăn cho công dân, doanh nghiệp Việt.
“Chính sách pháp luật Việt Nam trước tiên cần tôn trọng quy luật quốc tế cũng như quan điểm của nền kinh tế thị trường. Khi người dân, doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài bằng con đường “chính ngạch”, chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng kiểm soát dòng tiền” – ông Đính nhấn mạnh.