Theo nhiều chuyên gia, nguồn cung bất động sản nội đô TPHCM và Hà Nội vẫn tiếp tục khan hiếm. Tuy nhiên, thị trường vùng ven sẽ giúp tạo ra nguồn cung lớn. Đồng thời, dự báo nhu cầu về nhà ở hiện nay vẫn còn rất lớn.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam chia sẻ, dữ liệu hiện nay cho thấy, thị trường sụt giảm nguồn cung so với năm 2018 vì rà soát thủ tục đất đai, tuy nhiên điều này diễn ra trên toàn quốc chứ không chỉ ở TPHCM.
Hiện nay, nguồn cung tại TPHCM đang có dấu hiệu trở lại khi thủ tục cần thiết đang có tín hiệu rất lạc quan. Chẳng hạn như việc công bố danh sách dự án được chấp thuận chủ trương và đưa ra thị trường vừa qua đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, rất khó để đưa ra thời điểm cụ thể mà thị trường hồi phục về nguồn cung. Nhưng nhìn trong cả vùng TPHCM hiện nay như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu đang bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường vùng ven Sài Gòn.
Cũng theo ông Phạm Lâm, quy hoạch là cực kỳ quan trọng. Tất cả các yếu tố phát triển đều xoay quanh hạ tầng. Hạ tầng giải quyết vấn đề nhà ở tại TPHCM. Nói về việc giảm giá bất động sản (BĐS), ông Lâm cho rằng chi phí lãi vay, quản lý đều cao thì giá BĐS giảm là rất khó.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay: “Thị trường bất động sản, đặc biệt thị trường bất động sản TPHCM, tiềm năng vẫn còn rất lớn. Thành phố đến 8-9 triệu dân, bình quân hơn 2 triệu gia đình mà mỗi năm thị trường cung cấp được 40 nghìn căn thì quá thấp, điều đó có nghĩa là cầu còn rất lớn trong xã hội”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, nếu nhìn ở góc độ kinh tế vĩ mô thì bên cạnh chính sách của trung ương, các nhà quản lý địa phương phải coi BĐS là một mảng kinh tế rất quan trọng của địa phương mình vì nó không chỉ cung cấp nơi cư trú mà còn là một lĩnh vực để phát triển kinh tế.
Nếu chính quyền địa phương nhìn nhận, coi đây là động lực phát triển kinh tế thì phải làm bản quy hoạch cho rất rõ, tình trạng để nhà đầu tư đi chạy quy hoạch từng mảnh đất thì sẽ không thỏa mãn được cung cầu. Trong tính toán kinh tế vĩ mô của địa phương, nguồn cầu còn từng này, đất ở đâu mở ra như thế nào?
“Đừng để trình trạng chạy quy hoạch mà thành phố phải lập quy hoạch, đâu là khu dân cư, đâu là các chức năng khác của đô thị để nhà đầu tư cạnh tranh nhau trên mảnh đất đó. Như ở Singapore nguồn thu của chính quyền là BĐS, 1 mảnh đất để thừa ra thì họ sẽ đưa ra đấu giá, đầy đủ quy mô, chiều cao, công năng, chức năng, nhà đầu tư đặt cọc bỏ giá và xây ngay, tất nhiên theo yêu cầu về thời gian. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng hụt cung”, ông Đông cho hay.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung Ương cho biết, thị trường BĐS trầm lắng cả nguồn cung rõ nhất ở TPHCM và Hà Nội, lượng giao dịch cũng giảm so với cùng kỳ.
Ông Thành đồng tình với hai quan điểm là: Năm 2020 khó có đột biến về nguồn cung và giao dịch, tất nhiên tùy phân khúc; nguồn cung nội đô TPHCM và Hà Nội vẫn khan hiếm trong năm 2020.
Theo ông Thành: “Nhìn về dài hạn xu thế, thì nguồn cung nội đô giảm và vấn đề là chúng ta có để tốc độ giảm mạnh như năm 2019 hay không? Điều này còn phụ thuộc vào Nhà nước”.
“Hiện nay có không ít dự án đang “đứng hình”, TPHCM trên dưới 100 dự án, Hà Nội ít hơn. Nếu chúng ta xử lý được để dự án đó phát triển được, có thể vẫn chủ đầu tư đó hoặc chủ đầu tư khác. Trong quy hoạch có câu chuyện liên quan đến nguồn cung, sắp tới vùng ven có thể sẽ trở thành một quận, chẳng hạn như Đông Anh (Hà Nội). Điều này phụ thuộc vào bài toán quy hoạch, kết nối và công nhận. Từ đó khái niệm vùng ven hay nội đô sẽ thay đổi”, ông nói.