0826 34 26 26Kết bạn Zalo

Thách thức trên thị trường bất động sản 2020

bất động sản

Dù được dự báo còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng thị trường bất động sản 2020 sẽ còn gặp nhiều trở ngại và thách thức.

Tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Năm 2018 – 2019, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đó là xu hướng suy giảm tăng trưởng và bất ổn bao trùm toàn bộ nền kinh tế thế giới. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “Việt Nam chịu tác động tiêu cực mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhưng khả năng chống chịu đã tốt hơn, bởi nền kinh tế Việt Nam đang được điều hành, quản lý tốt, miền đất đáng tin cậy của các nhà đầu tư”. Song nhiều nhận định vẫn lo ngại rằng, những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn sẽ khiến thị trường bất động sản có thể biến động.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Năm 2020 đang được giới kinh tế nhận định: Có khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngoài cơ sở từ dấu hiệu của chu kỳ khủng hoảng, giới kinh tế còn dự báo trên nền tảng của những bất ổn lớn trong quá trình phát triển của các nước đứng đầu thế giới. Theo PGS.TSKH Võ Đại Lược, nếu nền kinh tế thế giới biến động thì Việt Nam không nằm ngoài tác động đó. Tất yếu, thị trường bất động sản sẽ không thể vận hành nhịp nhàng và đầy lạc quan như kỳ vọng.

                                                                                                   Ảnh minh họa.

Cung – cầu trên thị trường bất ổn

Đưa ra dự báo đầy thách thức cho thị trường bất động sản năm 2020, GS. Đặng Hùng Võ lý giải: nguồn cung trên thị trường đang bị hạn chế. Số lượng các dự án được phê duyệt nhỏ giọt, nhà đầu tư phải đối mặt với tình trạng tồn vốn, đọng hàng. Trong khi đó, lực cầu vẫn lớn.

GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Cung giảm thì mất cân đối cung cầu, hơn nữa cung giảm, cầu vẫn cao thì giá bán sẽ tăng. Chắc chắn thị trường như vậy là không ổn định. Mất cân đối cung cầu kiểu nào thì thị trường cũng dẫn tới tình trạng bất ổn định, có thể giảm giá hoặc tăng giá rất mạnh”.

“Khan” dòng tiền cho bất động sản

Siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được triển khai từ năm 2018 đến nay. Tất yếu của việc siết dòng vốn, đó là thị trường bất động sản loay hoay tìm “nhựa mới”. Huy động dòng tiền từ thị trường chứng khoán đã được coi là phương án thay thế.  Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết là 120 mã cổ phiếu, vốn hoá hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%.

Theo đánh giá, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh triển khai dự án, tăng cung cho thị trường, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu chững lại thì việc các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu một cách ồ ạt cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi nguồn vốn thu được từ các đợt phát hành không được đưa vào dự án bất động sản, triển khai đúng tiến độ, hiệu quả.

Vướng mắc từ pháp lý

Điểm nghẽn của thị trường bất động sản còn đến từ pháp lý. Đến thời điểm hiện nay, bên cạnh chưa có hành lang pháp lý cho các loại hình mới như condotel, officetel… thì sự chồng chéo xung đột giữa các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch đô thị đang đẩy các doanh nghiệp vào thế khó.

Đây sẽ là thách thức rất lớn cho thị trường bất động sản trong năm 2020 nếu nút thắt này chưa được tháo gỡ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

0926342626