Chuyên gia cho rằng, du lịch “thăng hoa” sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Giá bất động sản du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch…
Tại tọa đàm “Những xu hướng mới của bất động sản du lịch Việt Nam” chiều 19/11, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Nam dẫn chứng, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Trung bình mỗi năm có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước. Bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Cùng với đó, hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư quy mô, xuất hiện nhiều công trình tầm cỡ quốc tế. Du lịch “thăng hoa” sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản du lịch của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
“Giá bất động sản du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông”, ông Nam cho hay.
Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 – 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 – 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.
Vì thế, ông Nam cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường.
“Dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon”, nhưng không phải ai cũng ăn được”, ông Nam nói.
Bởi lẽ, theo ông Nam đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm. Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Song ông Nam cho rằng, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích – dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn.
“Làn sóng đầu tư vào các thị trường mới đang lan rộng với sự dẫn dắt của các nhà phát triển du lịch, các doanh nghiệp lớn tiên phong. Thay vì lướt sóng, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội dài hạn tại những tổ hợp bất động sản du lịch lớn, sở hữu hệ sinh thái tiện ích hoàn thiện, có lợi thế phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, nhằm đảm bảo cho khoản đầu tư gia tăng giá trị trong tương lai. Có một nguyên tắc là, chỉ khi dự án vận hành tốt, tỷ lệ lấp đầy phòng cao, các nhà đầu tư mới có cơ sở kỳ vọng về dòng lợi nhuận thu về”, ông Nam thông tin thêm.
Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường thời gian qua có tự tắc nghẽn nhất định. Sự tắc nghẽn này do khung pháp luật về bất động sản du lịch chưa đáp ứng được.
Ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho hay, theo dự báo của tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong giai đoạn 2018 – 2028 nhu cầu du lịch tăng 4% hàng năm, đây là mức cao hơn mức tăng trưởng bình quân trước đây.
Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2030 sẽ tăng 535 triệu khách quốc tế. Như vậy, nếu đạt số này thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đứng đầu thế giới. Đối với Việt Nam, trước những cơ hội lớn như vậy, chúng ta phải làm gì để bắt nhịp với du lịch thế giới?
Ông Trường dẫn số liệu từ một nghiên cứu về nhu cầu du lịch của thế giới của UNWTO cho thấy 54% nhu cầu du lịch thông qua nghỉ dưỡng, trải nghiệm và theo ông đây chính là cánh cửa cơ hội.
“Chúng ta nên có nhiều quy hoạch chuyển hướng sang loại hình du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế. Nếu Việt Nam tập trung đầu tư dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều trải nghiệm thì chúng ta sẽ thu hút được nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà còn cả khách hạng sang quốc tế”, ông Trường nhấn mạnh.