Bên cạnh đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua cổ phần.
“Thỏi nam châm” bất động sản
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới là 12,83 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong tổng vốn đăng ký cấp mới, với tỷ trọng 10,2% (2,98 tỷ USD), chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Không phải trong năm nay, mà từ vài năm trước, các nhà đầu tư này đã bị hấp dẫn bởi thị trường bất động sản Việt Nam nên mạnh tay đầu tư.
The Chosun Ilbo, một tờ báo lớn của xứ Kim chi cho hay, các doanh nghiệp và cá nhân Hàn Quốc đã chi 440,1 triệu USD cho các bất động sản ở nước ngoài vào năm 2018, tăng 47% so với năm 2017 và gấp 3,8 lần so với 5 năm trước đó. Trong số đó, Việt Nam là thị trường đứng thứ hai về quy mô đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc, với 56,1 triệu USD.
Các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm tại thị trường bất động sản là bất động sản khu công nghiệp, nhà ở, M&A và đầu tư cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành…
GS E&C – một trong những nhà đầu tư đa lĩnh vực lớn nhất ở Hàn Quốc đã chọn các trung tâm kinh tế, xã hội lớn tại Việt Nam để phát triển dự án bất động sản và hạ tầng giao thông đô thị, đồng thời quyết định thành lập thương hiệu con VGSI (Vietnam GS Industry) đầu tư dự án Zeitgeist tại huyện Nhà Bè, TP.HCM, với tổng diện tích 349 ha, cư dân dự kiến lên đến 68.000 người.
Với các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, dữ liệu cập nhật từ các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills hay Jones Land Lasalle cho thấy, kể từ năm 2016 trở lại đây, các nhà đầu tư Đại lục và Hồng Kông chiếm 25 – 30% lượng giao dịch bất động sản toàn thị trường, thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Gần đây nhất, Alpha King, một tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông mua lại dự án 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM từ Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Ngân Bình. Dự án hiện đang được xây dựng trên khu đất 8.320 m2, gồm 4 tầng hầm và 49 tầng cao với 2 khu. Trong đó, khu Alpha Mall gồm 8 tầng thương mại, tầng 9 được bố trí gồm hồ bơi, phòng gym… Khu Alpha Hill gồm 1.076 căn hộ cao cấp từ 1 – 3 phòng ngủ có diện tích 50 – 200 m2.
Nhà đầu tư Nhật Bản cũng tăng cường hiện diện trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Theo Nikkei Asian Review, Tập đoàn Xây dựng và bất động sản Nomura đã mua lại Tòa nhà Zen Plaza 14 tầng tại TP.HCM trong tháng 7/2019. Giao dịch này tiếp nối thương vụ Tập đoàn mua lại Tòa nhà Sun Wah Tower cũng tại quận 1, TP.HCM vào năm ngoái.
Giữa năm ngoái, Tập đoàn Sumitomo (Nhật) cùng với Tập đoàn BRG của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội, với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD.
Đòn bẩy vốn cho doanh nghiệp địa ốc
Sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố chính như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng do có sự tham gia của các nhà phát triển uy tín và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.
Theo Masakazu Yamaguchi, Trưởng đại diện Quỹ Creed (Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết: “Không chỉ chúng tôi, mà rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian dài đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo”.
Ông Yoshinori Nakata, Giám đốc Công ty Global Link Cooperative (Nhật Bản) đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Từ 10 năm trước, ông đã bắt đầu hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang rất phát triển với nhiều toà nhà cao tầng được xây dựng. Lĩnh vực bất động sản ngày càng phát triển để trở thành kênh đầu tư số 1.
Bà Carrie Law, Giám đốc điều hành Công ty môi giới bất động sản trực tuyến Juwai.com của Trung Quốc cho hay, trong bối cảnh Bắc Kinh kiểm soát chặt dòng vốn chảy ra bên ngoài, giá nhà tương đối thấp ở Việt Nam đang rất hấp dẫn giới đầu tư Đại lục.
“Các khách hàng với nguồn tài sản hạn chế ở nước ngoài có thể mua bất động sản ở một thị trường tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam và đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ. Với số tiền bạn có ở nước ngoài, cho dù không giúp bạn không mua nổi căn nhà có giá 5 triệu nhân dân tệ ở Úc hay ở Mỹ, thì bạn vẫn có thể mua một căn nhà ở Việt Nam với giá 700.000 nhân dân tệ (khoảng 2,5 tỷ đồng)”, bà Carrie Law nói.
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land nhận xét, các nhà đầu tư ngoại đang đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua cổ phần… Đây là kênh đầu tư nhanh, không gặp nhiều rào cản pháp lý và có lợi cho cả hai bên.
Cụ thể, phía doanh nghiệp bất động sản trong nước đang có quỹ đất cần lượng vốn lớn để phát triển dự án, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng đang dần bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Còn phía doanh nghiệp ngoại thì rót vốn vào các dự án có sẵn quỹ đất sạch và pháp lý tốt giúp gia nhập thị trường nhanh, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện dự án (nhất là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, pháp lý triển khai…). Thực tế, những nhà đầu tư đi trước đã có nhiều lợi nhuận từ việc góp vốn, mua cổ phần, nên càng tạo niềm tin trong việc đầu tư vào doanh nghiệp Việt.
Dưới góc nhìn đơn vị tư vấn, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp trong khu vực đang ngày càng mở rộng. Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc. Mặt khác, họ giúp thị trường tăng tính cạnh tranh, cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm, do vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng, nhưng cũng mang đến sự cạnh tranh khốc liệt cho doanh nghiệp trong nước.