Cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều nhận định thị trường bất động sản năm 2020 vẫn sẽ tiếp tục có sự phát triển. Nhưng có điều, phải xác định phân khúc nào phát triển, phân khúc nào ổn định, hay phân khúc nào cần phải điều chỉnh lại…
Ở góc độ quản lý Nhà nước, tôi cho rằng, năm 2020 nhìn chung thị trường bất động sản chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, không thể đi xuống. Nhưng phải xác định phân khúc nào phát triển, phân khúc nào ổn định, hay phân khúc nào cần phải điều chỉnh lại.
Năm 2020 sẽ có những điều chỉnh rất lớn về chính sách của Nhà nước. Khi có những chính sách điều chỉnh, đặc biệt chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay các nhà đầu tư cũng phải theo đó mà điều chỉnh.
Luật Đất đai năm 2020 sẽ được trình Quốc hội, theo chiều hướng tháo gỡ giúp doanh nghiệp phát triển chứ không phải cản trở.
Trong các phân khúc, nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp chắc chắn không thể dừng lại mà vấn đề chúng ta triển khai như thế nào. Phân khúc nhà ở giá thấp, từ 25 triệu đồng/m2 trở xuống hiện rất thiếu, đặc biệt là ở các tỉnh và thành phố đô thị loại 1. Khi nguồn cung thiếu thì nhu cầu cao và nhu cầu cao thì chắc chắn phải có nguồn cung. Cuối năm 2019 các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án của mình và chắc chắn năm 2020 sẽ có các sản phẩm bán ra.
Theo tôi, sang năm 2020, bất động sản du lịch vẫn phát triển. Đã bắt đầu có một số tỉnh có cơ hội phát triển du lịch đang chuẩn bị tổ chức các hội nghị chuyên về bất động sản do UBND tỉnh đứng ra và cũng đã đặt vấn đề mời Cục tham gia. Như vậy, các tỉnh thấy được xu hướng và đây là lợi thế cạnh tranh độc quyền của Việt Nam mà các nước không có. Vấn đề chúng ta phát triển thế nào để vừa nhanh nhưng lại vừa bền vững.
Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO:
Thị trường bất động sản 4 tháng cuối năm có sự điều chỉnh mạnh mẽ để định hướng cho năm 2020, cả thị trường nói chung và khách hàng, nhà đầu tư cần đưa ra phương án phù hợp sự vận động của thị trường. Khách hàng cần nghiên cứu xem xét kỹ sản phẩm của chủ đầu tư.
Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO |
Tôi cho rằng uy tín của chủ đầu tư là yếu tố quyết định, khách hàng sẽ nhìn vào thương hiệu lớn để mua. Thương hiệu làm sản phẩm đa dạng, tiềm lực tài chính mạnh sẽ được lựa chọn.
Riêng về condotel, tôi cho rằng trường hợp gần đây gây xôn xao là sự việc cá biệt. Bản thân condotel là tốt, có những tác động tích cực tới tăng trưởng thị trường thời gian qua. Hàng vạn sản phẩm cung cấp ra thị trường với tính thanh khoản cao, mang tới cùng lúc 2 giá trị là dòng tiền và giá trị gia tăng.
Thủ tục pháp lý theo quan điểm chúng tôi là đã khá đầy đủ nhưng các hướng dẫn thực hiện, chi tiết còn chưa rõ ràng. Nếu làm tốt, condotel vẫn có tiềm năng, thu hút dòng tiền nước ngoài và là sản phẩm du lịch rất tốt trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:
Thời điểm 2019, sự chùng xuống, giảm tốc của thị trường bất động sản có các nguyên nhân như yếu tố kinh tế thế giới, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung… đều ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Còn trong nước, thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố là tín dụng bất động sản và sự tăng giá bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam |
Ở yếu tố tăng giá bất động sản, chi phí đầu vào của bất động sản đang bị đẩy lên rất mạnh. Ví dụ như giá đất, giá đền bù, thuế đều tăng cao và tăng ở hầu hết các vùng, vùng đô thị là tăng mạnh nhất. Định mức bất động sản cũng tăng, nhân công, vốn, chi phí cũng tăng, ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay. Tất cả yếu tố đó đã đẩy chỉ phí đầu vào lên. Mấy năm gần đây, giá bất động sản Việt Nam tăng nhẹ 1 – 2%, thị trường TP.HCM tăng mạnh hơn, khoảng 5 – 7%. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng còn mạnh hơn khoảng trên 10%, có địa phương thậm chí có thể tăng khoảng trên 30%.
Nhưng nếu doanh nghiệp bán tăng giá lên, kể cả 1 – 2 triệu đồng/m2 thì rất khó, không tiêu thụ được. Cho nên đây chính là khó khăn mà tôi muốn nói đến.
Một khó khăn nữa là sự tổng rà soát của tất cả các khu vực về giao đất, dự án, về mua bán nhà đều khó khăn. Đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, rồi lan tỏa ra các khu vực xung quanh. Làm cho nguồn cung bị giảm sút một cách trầm trọng.
Đặc biệt là thị trường TP.HCM mất hẳn nguồn cung sản phẩm cho giá rẻ, bình dân. Nhiều dự án lúc mở bán xác định là nhà ở cho phân khúc bình dân chỉ 10 – 20 triệu đồng/m2, nhưng đến khi chào bán toàn trên 30 triệu đồng/m2, vượt khỏi ngưỡng nhà ở bình dân.
Tôi đồng ý rà soát là đúng với quy định pháp luật, nhưng nếu không có giải pháp để đẩy mạnh hơn, nhanh hơn thì năm 2020 sẽ tiếp tục gặp vấn đề cầu nhiều mà cung lại ít. Do đó, cần có giải pháp cho các vấn đề đó để giải quyết trong năm 2020, nếu không, thị trường sẽ tiếp tục đi xuống hơn so với năm 2019.